Hôm qua dạy cho nhóm các em học sinh lớp 3, mình có hỏi:
Nếu kể về điều bố đã làm hoặc hướng dẫn mà con thấy nhớ nhất thì con sẽ kể thế nào?
Hầu hết các em đều kể về việc được bố mua đồ chơi.
Ừ, cô biết là các con thích đồ chơi nhưng mình có thể kể về những điều khác nữa xem sao- mình gợi ý- thế tết vừa rồi con có làm cùng bố việc gì không?
Không cô ơi, bố con toàn đánh bài.
Bố con uống rượu.
Mẹ con bảo dọn nhà xong bố con bảo nhà sạch rồi làm sao phải dọn.
Bố con đi về quê chỉ có con với mẹ ở lại.
Bố con bảo ra đây ngồi ăn với bố với các bác, đàn ông uống tí rượu cho quen.
Cả nhóm nhao nhao kể. Ôi trời ơi, nghe vừa buồn cười vừa thương.
Mình biết không phải ông bố nào cũng giống như lời “kể tội” bên trên. Nhưng có rất nhiều ông bố thường bỏ qua “quyền năng” của mình. Những quyền năng đó có thể kể đến:
1. Ông bố có thể nhắc nhở con mà không cần la mắng: Vì hầu hết giọng đàn ông đều trầm hơn và chính những âm thanh đó lại tác động đến trẻ nhiều hơn.
Thông thường chúng ta thường nghĩ phải la hét thật to thì trẻ mới nghe lời. Nhưng thực tế không phải như vậy. Cùng hiệu lệnh: Đóng cửa! Nhưng giữa việc quát to và việc giảm âm lượng vừa phải, nghiêm khắc, bạn sẽ thấy, trẻ dễ làm theo mệnh lệnh ở cách thứ hai.
2. Tính cách của bố có ảnh hưởng đến việc chọn bạn đời của con gái sau này: Nếu ông bố là một người dịu dàng, con gái có xu hướng tìm người bạn đời cũng có tính cách như vậy. Nếu ông bố hay dùng đến đòn roi rồi mới yêu thương con, con cũng hay nhầm tưởng tình yêu gắn liền với bạo lực.
3. Việc bố gọi con cũng có ảnh hưởng đến suy nghĩ và tính cách của con. Có nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu bố thường gọi con là “công chúa”, con sẽ thiếu mạnh mẽ. Vì “công chúa” gợi cảm giác chỉ sống trong nhung lụa, được bao bọc. Vì thế lời khuyên là nếu muốn gọi âu yếm, bạn nên gọi dùng tên các con vật cưng.
4. Thói quen của bố có tác động mạnh mẽ đến tính cách của con: Nếu bố hay xem ti vi, hay uống rượu thì con cũng thường có thói quen như vậy, thậm chí dẫn đến trạng thái nghiện. Nếu bố thích sửa chữa đồ đạc, làm vườn, nghe nhạc… con cũng sẽ có xu hướng thích những việc đó.
Nếu người bố có suy nghĩ phân biệt về tôn giáo, sắc tộc… thì con cũng dễ ảnh hưởng. Ông bố tốt sẽ nói: Mọi người có sự khác biệt và chúng ta tôn trọng điều đó.
5. Cảm giác an toàn, tin cậy, được bao bọc, che chở bố sẽ dễ truyền cho con hơn mẹ.
6. Việc kết bạn của bố ảnh hưởng đến việc chọn bạn và cách chơi của con: Một ông bố quảng giao, vui vẻ thì con cũng thường có xu hướng như vậy. Ngược lại nếu ông bố cô độc, ít giao tiếp sẽ khiến con khó khăn trong việc kết bạn.
Ông bố cũng là người trẻ tin cậy để chia sẻ về nhóm bạn, về những vấn đề liên quan đến việc sứt mẻ tình cảm. Khi bé, trẻ luôn nghĩ, bố sẽ có thể giải quyết tất cả những mâu thuẫn bạn bè của chúng.
Vì thế làm một ông bố tốt nghĩa là bạn có thể chơi, đọc sách, hát ru, hòa giải, lắng nghe, cù lét, bế bổng, gội đầu, chải tóc, cắt móng tay, đưa con đi học, đóng cái giá sách, sơn lại bức tường… tất cả những điều đó khiến con có dấu ấn sâu đậm rằng ngôi nhà của mình thật bình yên và ấm áp.
Ngay cả trong trường hợp bố mẹ li hôn hoặc li thân, ông bố vẫn có thể tác động tích cực đến con nếu:
- Luôn dành thời gian cho con, chăm con chu đáo
- Nhất quán với những nguyên tắc, sống lành mạnh
- Nói chuyện với con bình đẳng
- Biết tha thứ
Tất cả những điều đó không có gì liên quan đến vật chất nên dù bạn không có tiền tỉ gửi ngân hàng, nhà lầu xe hơi dành dụm cho con bạn vẫn có “tài sản” để con mang đi suốt cuộc đời như những kỉ vật thân thương, như chỗ cưu mang cuối cùng, như lời nhắc nhở về tình yêu và nguồn cội.
Và con bạn sẽ nương tựa vào những ấm áp tin yêu ấy mà mạnh mẽ, mà trưởng thành.
Hãy tận dụng “quyền năng” của mình đi, các ông bố!
Đã làm cha mẹ, ai chẳng hơn một lần “nóng mắt” khi gặp phải sự phản ứng cãi cọ bướng bỉnh, không vâng lời của con. Thái độ ứng xử của bạn sau đó thế nào là rất quan trọng trong việc có làm cho con bạn ngoan lên hay sẽ làm chúng càng ngày càng vượt khỏi tầm kiểm soát của gia đình.