LÀM THẾ NÀO KHI CON HAY KHÓC, HAY MÈ NHEO, VÒI VĨNH?

25/06/2021 Bài viết Giảng viên Phan Hồ Điệp

Mỗi người sẽ học cách kiểm soát cảm xúc từ khi nhỏ cho đến già. Ví dụ với trẻ một tuổi, trẻ sẽ điều khiển cảm xúc bằng cách lắc lư, nhai hoặc cố gắng tránh xa những thứ khiến chúng cảm thấy khó chịu.


Giai đoạn từ 0-5 tuổi, việc học để điều tiết cảm xúc diễn ra nhanh, “tinh vi” vì bộ não của trẻ đang phát triển và trưởng thành. Tuy nhiên, khả năng điều chỉnh cảm xúc phụ thuộc vào sự hỗ trợ và hướng dẫn của mẹ.


Một số lúc, cảm xúc bùng phát và trẻ có những cơn “khó ở”, những “nổi loạn”.


Từ 6-9 tuổi, sự điều tiết cảm xúc diễn ra tinh tế. Trẻ bắt đầu biết điều tiết cảm xúc theo “quy tắc biểu hiện”. Nghĩa là biết, khi nào những cảm xúc của mình sẽ được biểu hiện và được chấp nhận.


Vì thế, chúng ta thấy, có bạn 5 tuổi vẫn khóc, nhõng nhẽo, ăn vạ ở nơi công cộng. Nhưng bạn 9 tuổi thì đã hiểu về quy tắc và thường không có hiện tượng này.


Những người làm cha mẹ dường như có xu hướng nghĩ rằng, vì chúng ta thấy cần vui vẻ nên con cái phải vui. Vì chúng ta lo lắng nên con cái phải sợ sệt. Vì chúng ta buồn bã nên con cái chúng ta sẽ sợ hãi. Và bố mẹ sẽ thường nói với con: Vui lên! Sao lại phải khóc! Thật là xấu hổ vì lớn rồi còn khóc! Con nín đi, có gì thì nói cho mẹ nghe!


Vì thế, việc đầu tiên em nên làm, đó là hãy hiểu:Con đang cư xử không mấy lệch lạc so với độ tuổi của con. Con đang trong tiến trình để học về quy tắc. Đừng nhìn thế giới của con qua đôi mắt của mẹ.

Ngoài ra, mỗi khi con khóc, em nên thực hiện các bước sau:


1. Nhìn vào con và hãy coi việc khóc của con là thời điểm để kết nối với con.


2. Hiểu xem cảm xúc đó đến từ đâu và điều gì đang thúc đẩy “nhu cầu” khóc để cảm nhận những gì con đang cảm nhận.


3. Đặt tên cho cảm xúc của con và hãy cho con một chỗ ngồi thoải mái. Ví dụ: Mẹ biết là con đang giận/ đang đau/ đang cảm thấy khó chịu vì/ đang bực tức… con ngồi ở đây một lúc với cơn… của con nhé.


4. Khi con nín khóc hãy trò chuyện thì thầm về những gì con nghĩ..


5. Hãy tìm đọc cho con những cuốn sách nói về cảm xúc như: Kiềm chế cơn giận/ Ái ui đau quá/ Nụ hôn trên bàn tay/ Cho gì vui nấy không đòi không quấy/ Tớ không sợ bị bắt nạt/ Cau có như khi mặc quần bó… Những sách này có thể phù hợp với bạn từ 2-6 tuổi, cứ nhẩn nha đọc, nhẩn nha nói chuyện về “quy tắc biểu hiện”.


Điều quan trọng là hãy hòa hợp với thế giới của con, nhìn thế giới qua đôi mắt của con và kiên nhẫn huấn luyện, hỗ trợ con. Thay vì máu sôi lên, thay vì tỏ ra ngạc nhiên, thất vọng khi con bằng chừng này vẫn khóc, em sẽ dùng tình yêu, sự cảm thông, lòng trắc ẩn của mình để giúp con nhanh trưởng thành.



Tin liên quan

Những cách xử lý hiệu quả khi con hay "cãi"

Đã làm cha mẹ, ai chẳng hơn một lần “nóng mắt” khi gặp phải sự phản ứng cãi cọ bướng bỉnh, không vâng lời của con. Thái độ ứng xử của bạn sau đó thế nào là rất quan trọng trong việc có làm cho con bạn ngoan lên hay sẽ làm chúng càng ngày càng vượt khỏi tầm kiểm soát của gia đình.