Càng ngày các bố mẹ càng nhận ra, việc giúp trẻ tăng cường trí thông minh cảm xúc (EQ) quan trọng hơn cả việc dạy cho trẻ biết thật nhiều kiến thức, làm toán thật giỏi hay nói tiếng Anh như gió.
Điều tuyệt vời khi một em bé được hỗ trợ để phát triển EQ đó là em sẽ bớt đi những hành vi xấu, biết làm chủ cảm xúc, giữ được bình tĩnh khi gặp chuyện không vui hay gặp khi thất bại, biết cách giải tỏa những ý nghĩ tiêu cực… Một em có EQ tốt sẽ biết cách cư xử, em cũng dễ thành công và hạnh phúc hơn trong cuộc đời.
Vậy làm thế nào để ngay từ khi con còn nhỏ, có thể phát triển EQ, các bạn thử tham khảo những gợi ý sau:
1. Giúp con gọi tên cảm xúc:
Hãy để con được miêu tả về cảm xúc của mình bằng lời nói hoặc hình vẽ.
Bạn đừng phủ nhận: Sao con lại buồn? Có gì đâu mà buồn! Con đừng có mà giận dữ như thế! Sao lúc nào con cũng ủ rũ thế.
Mà hãy thừa nhận cảm xúc của con: Mẹ biết là con đang buồn… Mẹ biết là con giận… Chà, con vui phải không…
Có thể cho con dùng những đồ vật thay thế để gọi tên cảm xúc và hỏi con vì sao. Ví dụ, dùng các con gấu buồn, con gấu giận dữ, con gấu hạnh phúc…
2. Miêu tả cảm xúc của bố mẹ với con:
Bạn thường quên làm điều này vì nghĩ là con chưa hiểu hoặc con chưa chia sẻ được. Nhưng bạn biết không, cách bạn mô tả cảm xúc chính là làm mẫu cho con rất hữu hiệu.
Bạn cũng có thể nói cho con cách bạn làm chủ cảm xúc ví dụ như vượt qua cơn tức giận: Hôm nay mẹ đã rất giận vì bị một người bạn nói với mẹ lời không hay. Để khỏi cãi vã, mẹ đã đứng đếm ngược từ 50 đến 0. Tối hôm qua mẹ buồn vì bố sai hẹn. Nhưng mẹ đã không gọi điện để giục vì sợ bố đi xe không an toàn. Trong lúc đó, mẹ đã lấy sách ra đọc…
Bạn cũng nên nói về những điều khiến bạn hạnh phúc: Mẹ đã rất vui vì cuối cùng bố mẹ đã mua được một căn nhà xinh xắn… Bố rất vui vì hôm nay nghe mẹ kể về việc học của con…
Nhưng bạn chú ý, đừng “đổ lỗi” cho con về việc chúng khiến mình giận dữ. Con không làm cho bố mẹ giận dữ- Chính mẹ làm cho mẹ giận dữ. Việc này khó với các bậc cha mẹ nhưng nên tập. Bạn có thể nói: Hôm nay khi mẹ thấy điểm kiểm tra của con, mẹ đã không kiểm soát được cảm xúc. Mẹ đã giận dữ….
3. Nhận biết “cảm xúc” của không gian sống:
Bạn có khi nào cảm thấy ngôi nhà của bạn có lúc rất yên tĩnh/ bình an/ nặng nề/ sống động… Chắc chắn là có đúng không.
Hãy cùng con nói về điều đó. Ví dụ buổi sáng ngày nghỉ, cả nhà ngủ dậy muộn, nằm nán lại trên giường nghe tiếng chim hót, bạn có thể nói: Chà, mẹ cảm thấy một bầu không khí thật thoải mái và dễ chịu quanh mình.
Những khi mua đồ giáng sinh để trang trí nhà cửa chẳng hạn, có thể nói: Bố mẹ như thấy căn nhà của mình rộn rã/ vui nhộn/ náo nức hẳn lên.
Những lúc bố mẹ căng thẳng với nhau, hãy nói chuyện với con và nếu con cảm thấy không khí trong nhà ngột ngạt, khó chịu, có thể cùng con đi dạo, ra công viên hoặc làm gì đó khiến con dễ chịu hơn.
4. Nhận biết cảm xúc ở những môi trường khác nhau.
Khi bạn bước vào một khu mua sắm chẳng hạn, bạn sẽ thấy vui vẻ hơn, bước chân nhanh hơn… Hoặc khi trời chuẩn bị chuyển sang mùa đông, có thể bạn sẽ cảm thấy tâm trạng hơi đi xuống…
Hãy nói về những cảm xúc đó và hỏi con những câu hỏi như: Con cảm thấy thế nào khi mùa hè/ Con có thấy dễ chịu khi ở trong nhà một mình không?/ Con có thấy thoải mái khi vào một nơi đông đúc không?/ Giữa một siêu thị vắng người và một siêu thị rất nhộn nhịp người mua sắm thì con cảm thấy điều gì tốt hơn?...
Việc giúp trẻ tự nhận biết vể cảm xúc của bản thân ở những môi trường khác nhau sẽ khiến trẻ “nhìn” được thật sâu vào trong suy nghĩ của mình và giúp con dễ thích nghi, dễ bộc lộ khi gặp những thay đổi, ví dụ khi chuyển trường.
5. Chơi những trò chơi nhập vai tưởng tượng:
Ví dụ bạn có thể đưa ra tình huống: Một người nghèo ngồi ăn xin trên phố và một em bé đi mua bánh ngang qua. Em bé đã tặng cho người nghèo một cái bánh. Con thử nghĩ xem, hai người sẽ cảm thấy thế nào.
Bạn cũng nên khuyến khích con về việc “cho đi” không chỉ vật chất mà còn là những điều giản dị như: nụ cười, lời khen ngợi, sự động viên với người khác và hỏi cảm nhận của con về điều đó.
Dạy con về việc hành động của mình có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của người xung quanh.
Một trò chơi rất thú vị nhưng cũng rất tốt đó là cùng con diễn tả các tâm trạng trên khuôn mặt và nhìn vào gương.
6. Những câu chuyện dạy con về cảm xúc sẽ thực sự tốt cho con.
Bạn có thể tham khảo những câu chuyện sau:
Stand Tall, Molly Lou Melon
Câu chuyện tuyệt vời cho những bạn lần đầu đến trường ( hình như chưa có tiếng Việt): Bạn có thể cho xem tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=X5yM70Bz4Vk
Spaghetti in a Hot Dog Bun ( dạy con cách đối phó với bắt nạt, cực kì đáng yêu): https://www.youtube.com/watch?v=3cXWrUJlOK8
Câu chuyện này rất phù hợp với bạn dưới 6 tuổi: Lots of Feelings
https://www.youtube.com/watch?v=EyROOM2BuxQ
Bộ Nụ hôn trên bàn tay trong đó có cuốn: Gấu mèo Chester và kẻ bắt nạt xấu xa cũng là lựa chọn tuyệt vời.
Các bạn 3 tuổi có thể đọc bộ: Cho gì vui nấy không đòi không quấy/ Cau có như khi mặc quần bó…
Đã làm cha mẹ, ai chẳng hơn một lần “nóng mắt” khi gặp phải sự phản ứng cãi cọ bướng bỉnh, không vâng lời của con. Thái độ ứng xử của bạn sau đó thế nào là rất quan trọng trong việc có làm cho con bạn ngoan lên hay sẽ làm chúng càng ngày càng vượt khỏi tầm kiểm soát của gia đình.