Một em học sinh trong lần đi chơi siêu thị cùng với lớp, em làm vỡ một cái bình thủy tinh đang bày trên giá.
Nghe thấy tiếng vỡ, tất cả mọi người đều quay lại nhìn. Điều đó khiến em lúng túng và lo lắng.
Cô giáo nhắc: Con và các bạn đứng nguyên tại chỗ nhé, nếu có ai đi lại gần thì nhắc họ kẻo giẫm vào mảnh vỡ.
Rồi người phụ trách gian hàng đến. Chú ấy tiến đến gần cậu bé và nói: Cháu đã phạm một lỗi nghiêm trọng đấy. Cháu có biết vì sao cháu làm vỡ không?
Cậu bé lúng túng: Cháu định đi trốn một bạn trong gian hàng nhưng lỡ tay gạt phải cái bình ạ.
Người quản lý: Ồ, siêu thị không phải là chỗ chơi trốn tìm đâu cậu bé. Giờ cháu có nghĩ ra cách gì để giải quyết không?
Cậu bé: Cháu sẽ xin tiền bố mẹ cháu để đền ạ.
Người quản lý: Xin tiền để đền thì cháu lại đổ lỗi của mình thành lỗi của bố mẹ. Có cách gì để chính cháu tự giải quyết không?
Cậu bé: Cháu sẽ tiết kiệm tiền ăn sáng ạ.
Người quản lý nói: Thôi được rồi, việc mà cháu có thể làm ngay bây giờ là giữ túi rác để chú nhặt các mảnh vụn lại. Sau đó, cháu sẽ về nhà viết hai bản nội quy. Một bản là để cam kết sẽ thực hiện những điều nơi công cộng. Một bản là cam kết sẽ “quản lý” tay chân của cháu để chúng khỏi lóng ngóng, vụng về nhé. Cô giáo sẽ là người nhận hai bản cam kết của cháu. Nào giờ ta làm thôi.
Câu chuyện nhỏ nhưng đối với mình là bài học lớn, dành cho người lớn.
Vì trong quá trình xử lý lỗi, cô giáo và người phụ trách đã:
1. Chỉ ra cho trẻ biết là chúng đã phạm lỗi sai gì, lỗi đó như thế nào, có nghiêm trọng hay không?
2. Gợi ý cho trẻ cách xử lý tình huống. Cho trẻ được nghĩ ra cách để giải quyết tình huống.
3. Không làm mất thể diện của trẻ.
Đây cũng được coi là 3 bước cần thiết để “điều trị” những lỗi ở trẻ.
Mình thích những cách giải quyết như vậy, nó khiến trẻ thấy được tôn trọng, được tự xử lý những “lỗi lầm” trong sự yêu thương.
Đã làm cha mẹ, ai chẳng hơn một lần “nóng mắt” khi gặp phải sự phản ứng cãi cọ bướng bỉnh, không vâng lời của con. Thái độ ứng xử của bạn sau đó thế nào là rất quan trọng trong việc có làm cho con bạn ngoan lên hay sẽ làm chúng càng ngày càng vượt khỏi tầm kiểm soát của gia đình.