GIÚP CON VƯỢT QUA CẢM XÚC ĐỐ KỴ

22/11/2024 Bài viết Đội ngũ Đậu Ngọt

GIÚP CON VƯỢT QUA CẢM XÚC ĐỐ KỴ

Ở một số trẻ, tính đố kỵ biểu hiện rất rõ. Bé hay cảm thấy tủi thân, so sánh mình với người khác, thấy ghen ghét với ai đó khi họ hơn mình, muốn sở hữu mọi thứ... Đây là một cảm xúc thường thấy trong quá trình lớn lên của trẻ. Nếu không có sự chỉ hướng đúng, nét tính cách này có thể âm thầm lớn thêm trong con, khiến bé dễ trở nên ích kỷ, hẹp hòi, tham lam, coi thường người khác khi lớn lên. Vậy, khi nhận thấy bé nhà mình có biểu hiện hay ghen tỵ, ba mẹ cần làm gì để giúp con vượt qua?

Giữ sự bình đẳng, không thiên vị trong gia đình

Đối với trẻ, mối quan tâm lớn nhất của con là ba mẹ. Con luôn muốn được ba mẹ quan tâm, yêu thương mình nhất. Bé dễ sinh tính ghen tỵ khi ba mẹ dành thời gian cho em bé, hay cho ai khác. Đó là cảm xúc bình thường. Lúc này, nếu bạn la mắng, phạt con hay ngó lơ thì bé sẽ càng thêm khó chịu, bức xúc, càng tiêu cực hơn.

Để đẩy lùi cảm xúc thiếu tích cực này, ba mẹ cần củng cố tâm lý cho con là ba mẹ luôn yêu thương con (và em); đồng thời luôn giữ không khí gia đình vui vẻ, phân chia sự quan tâm đều cho các con, thể hiện sự công bằng trong mọi chuyện. Có như vậy, bé sẽ hiểu chuyện hơn, không sinh tâm lý ghen ghét, mà ngược lại, biết yêu thương và sẻ chia hơn.

Phải nói rằng, môi trường có ảnh hưởng rất nhiều đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Vì vậy, để con phát triển tốt nhất, ba mẹ cần cho con một môi trường tích cực nhất có thể, nơi đó có ba mẹ là những tấm gương tốt để con noi theo.

Lắng nghe những suy nghĩ, cảm nhận của con

Cảm giác ghen tị thường là cảm xúc dồn nén từ sâu bên trong, không dễ nói ra. Vì vậy, thay vì la mắng, gắn mác xấu cho con là “ích kỷ, ăn độc” sẽ chỉ khiến vấn đề thêm tệ hơn, ba mẹ cần ngồi lại lắng nghe con tâm sự, chia sẻ những điều con cảm thấy khó chịu, bực dọc cũng như những gì con muốn. Bên cạnh đó, bạn cần thể hiện sự thấu hiểu, đồng cảm, và cho con cảm giác an toàn, được yêu thương.

Khi trò chuyện và lắng nghe con, bạn sẽ hiểu những mối quan tâm, nỗi sợ, lo lắng của bé, từ đó có cách tiếp cận, chỉ hướng đúng đắn để thay thế cảm xúc tiêu cực bằng niềm vui, hạnh phúc và biết quan tâm, sẻ chia.

Biến những đố kỵ thành động lực cố gắng

Có lẽ, đây là cách khá hữu ích trong việc đẩy lùi cảm xúc đố kỵ trong con. Ví dụ, khi con ghen tị với bạn có điểm số cao hơn mình, ba mẹ có thể giải thích cho bé hiểu ganh tị với bạn không làm thay đổi điểm số của con mà con cần cố gắng học tập, rèn luyện để có được thành tích tốt như bạn. Khi đó, trẻ có thể tập trung vào việc học, khám phá, vui chơi và xây dựng tình bạn đẹp.

Hay khi con ghen tị với em, bạn có thể giải thích cho bé hiểu con và em đều là con của ba mẹ, ba mẹ luôn yêu các con; em là em của con, con là anh/chị, con thương em của con nhé, và em cũng yêu con lắm đấy! Trẻ sẽ hiểu và có động lực để cố gắng thay vì ghen tị.

Không so sánh con với trẻ khác

Việc so sánh con với trẻ khác không những không làm con tốt lên mà có thể khiến bé dễ sinh tâm lý đố kỵ hơn vì con nghĩ rằng “Ba thương em hơn”, “Mẹ thương chị hơn”, “Ba mẹ nghĩ bạn đó giỏi hơn con”... Bé sẽ cảm thấy buồn, tủi thân, tổn thương rất nhiều và có thể sinh tâm lý không thích người được so sánh.

Vì vậy, đừng bao giờ so sánh con với ai khác ba mẹ nhé. Con là con, cá thể độc lập duy nhất, không phải là ai khác.

Khen ngợi và khuyến khích những điểm mạnh trong con

Con trẻ luôn muốn được ba mẹ khen ngợi, nhất là những gì mà con làm được, những điểm mạnh của con. Vì vậy, ba mẹ cần hiểu con để biết con mạnh ở điểm nào và thường xuyên ghi nhận điều ấy. Khi được khuyến khích, trẻ sẽ thêm tự tin cũng như động lực để cố gắng phát huy thiên hướng của mình thay vì đố kỵ với người khác.

Dạy con về sự sẻ chia

Ba mẹ có thể giải thích cho con hiểu thế nào là sẻ chia, cho bé trải nghiệm các hoạt động, bắt đầu từ trong gia đình như giúp đỡ ba mẹ, nhường đồ chơi khi không chơi cho anh chị em,... Khi con hiểu về sự sẻ chia, con sẽ giảm cảm xúc ghen ghét, đố kỵ, hòa đồng với mọi người, giàu lòng yêu thương hơn.

Ghen tị là cảm xúc thường thấy ở trẻ nhỏ. Ba mẹ không cần quá lo lắng, mà cần bình tĩnh và tìm cách tiếp cận khéo léo, chỉ hướng tích cực và phù hợp để giúp bé vượt qua cảm xúc này một cách dễ dàng; và trở thành những cô bé, cậu bé đáng yêu đáng mến. Ba mẹ có thể tham khảo thêm bộ sách “ Kỹ năng giải quyết vấn đề để trở thành đứa trẻ có EQ cao” – bộ sách sẽ giúp con xử lý cảm xúc tốt hơn với 60 tình huống thường gặp trong gia đình, nhà trường và xã hội. Link tham khảo tại đây ba mẹ nhé: Kỹ năng giải quyết vấn đề để trở thành đứa trẻ có EQ Cao

 


Tin liên quan

Những cách xử lý hiệu quả khi con hay "cãi"

Đã làm cha mẹ, ai chẳng hơn một lần “nóng mắt” khi gặp phải sự phản ứng cãi cọ bướng bỉnh, không vâng lời của con. Thái độ ứng xử của bạn sau đó thế nào là rất quan trọng trong việc có làm cho con bạn ngoan lên hay sẽ làm chúng càng ngày càng vượt khỏi tầm kiểm soát của gia đình.